-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thực phẩm “bẩn”: Khi đồng tiền “đè” mất lương tri
24/12/2021
Dù đã có khung hình phạt xử lý việc kinh doanh thực phẩm“bẩn”, nhưng nhiều người vẫn vì lợi nhuận mà “đầu độc”chính đồng loại mình. Những năm gần đây, thực phẩm bẩn đã trở thành nỗi kinh hoàng...
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% nguyên nhân sinh ra bệnh ung thư là từ môi trường bên ngoài, trong đó thủ phạm chính là thuốc lá và thực phẩm “bẩn”.
Còn theo một thống kê gần đây của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, ước tính Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư/năm, tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam đứng thứ 78/172 quốc gia được điều tra. Bên cạnh đó vấn đề đáng lo ngại là số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một tăng nhanh.
Theo đó, năm 2000 Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới, năm 2015 lên đến 150.000 ca mắc mới. Ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam xấp xỉ ở con số 200.000 người.
Những con số “ám ảnh” bao người, có lẽ cũng bởi vậy nên khi đặt mối tương quan giữa thực phẩm bẩn và bệnh tật, một đại biểu Quốc hội đã từng phải thốt lên rằng "chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngắn như hiện nay”, dường như, chưa từng có một lời cảnh báo nào đau đớn hơn thế.
Những năm gần đây, những con số thống kê chưa thật đầy đủ hàng năm đã khiến dư luận “sợ hãi” và “ám ảnh” tột cùng. Đó là hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm, hàng chục nghìn vụ vi phạm quy định bảo vệ môi trường, và hàng trăm nghìn vụ buôn bán, vận chuyển thực phẩm “bẩn” bị phát hiện.
Mỗi ngày, rất nhiều người dân tại các đô thị lớn ngơ ngác, họ hoang mang trước những tấm biển bày bán hàng hóa từ vỉa hè, ngõ phố tới các cửa hàng lớn. Họ không biết mua ở đâu để tránh được thực phẩm không nhiễm thuốc trừ sâu hay bị bơm chất kích thích? Họ tiến thoái lưỡng nan, rồi đành tặc lưỡi “không ăn thì chết, ăn vào thì chết từ từ”. Mà cũng phải thôi, biết tìm đâu ra thực phẩm sạch, khi mà người trồng rau thì chia làm hai luống, một để nhà ăn thì không dùng thuốc hay hóa chất, còn luống trồng mang ra chợ bán thì “thế nào cũng được”. Nuôi gia cầm, gia súc mang đi bán, họ dùng thức ăn tăng trọng, dùng hóa chất độc hại để “hóa trang” cho đẹp, cho tươi mà dễ bán…
Thực phẩm nhập ngoại cũng không ngoại lệ khi mập mờ nguồn gốc xuất xứ. Người nhập hàng chỉ chăm chăm tính toán sao cho chi phí rẻ nhất, bán nhanh nhất và có lợi nhuận cao nhất. Họ bất chấp quyền lợi người tiêu dùng, bất chấp uy tín thương hiệu và họ cũng bất chấp luôn cả đạo đức con người…
Cũng dễ hiểu thôi, khi mà dư luận vẫn đang ngơ ngác chứng kiến “quả bóng chất lượng” thực phẩm sạch bị đá ngang chuyền ngược giữa các bộ ngành. Trong khi đó, việc tiếp nhận và xử lý phản ánh của người tiêu dùng từ cơ quan chức năng và Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng chỉ như “đá ném ao bèo”…
Còn nhớ, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm diễn ra hồi đầu năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phải nhấn mạnh, việc sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm không an toàn là vi phạm pháp luật, là một tội ác, phi đạo đức, ích kỷ hại nhân, trái với luân thường đạo lý, với truyền thống nhân ái của dân tộc.
Có thể nói, hiện trạng thực phẩm “bẩn” đang tràn lan đến mức những người đứng đầu Chính phủ phải dùng những từ ngữ mạnh mẽ như vậy để lên án, thì có lẽ hiện trạng này đã không chỉ là “vấn nạn” mà đã trở thành một “Quốc nạn”.
Buôn bán thực phẩm bẩn - rất nhiều người đã vì đồng tiền mà bất chấp tất cả, đồng tiền khiến họ quên cả lương tâm của một con người. Có thể họ biết là sai, là thất đức, biết là vi phạm pháp luật, thế nhưng họ vẫn làm. Và dường như, đồng tiền đã và đang “đè” mất cả lương tri con người.
Suy cho cùng, thực phẩm bẩn cũng chẳng tội tình gì. Có chăng, tội tình nằm ở con người. Con người “bẩn” kiếm sống và làm giàu bằng thực phẩm bẩn. Cái họ có được đã đánh đổi bằng sức khỏe, sinh mạng của bao người, rộng hơn và nguy hiểm hơn là sự suy tàn của cả một thế hệ, một tộc người, một quốc gia.