-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Quản lý chặt chẽ thực phẩm chay
09/12/2021
Hiện nay, nhiều gia đình lựa chọn xu hướng sử dụng thực phẩm chay, tuy nhiên trong nguồn cung dòng thực phẩm này trên thị trường vẫn xuất hiện rất nhiều đồ ăn chay trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, sau các vụ ngộ độc vừa qua cho thấy, nếu thực phẩm chay không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ thì sẽ gây hậu quả khôn lường với sức khỏe người tiêu dùng.
Bất an với thực phẩm chay
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại các cơ sở, nhà hàng kinh doanh đồ ăn chay trên địa bàn thành phố Hà Nội, đa số đồ ăn chay đều được chế biến từ rau củ quả, nấm, đậu, đỗ..., không sử dụng đồ đông lạnh chứa chất bảo quản. Mối lo lớn nhất hiện nay nằm ở dạng thực phẩm chay đóng gói công nghiệp, chế biến sẵn bán tràn lan ở chợ dân sinh, cửa hàng, hoặc bán trên mạng Zalo, Facebook…
Ngày 10-4, theo khảo sát của phóng viên tại chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy), các thực phẩm chay đóng gói được bán gồm váng đậu, mì, đồ chay giả mặn... Mỗi túi mề chay, chả lụa, tôm trân châu… trọng lượng 100-150g, có giá dao động từ 30.000 đến 45.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Hằng, một tiểu thương tại đây cho biết, đồ chay giả mặn được một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh chuyển ra, là hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nên khách hàng có thể yên tâm. Tuy nhiên, cũng nhãn hàng đó, một chủ cửa hàng khác lại cho biết, hàng được một cơ sở đưa đến từ huyện Hoài Đức (Hà Nội). Khi phóng viên thắc mắc, vì sao cùng một sản phẩm mà xuất phát từ hai nơi khác nhau thì người bán hàng này không trả lời.
Tương tự, ở khu vực chợ Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), tại một quầy bán thực phẩm chay cho thấy, sản phẩm đóng gói không ghi ngày, tháng sản xuất và hạn sử dụng, người bán hàng cũng khẳng định chắc nịch, quầy hàng của chị bán đồ chay do tự làm (handmade) nên người sử dụng có thể hoàn toàn tin tưởng.
Trong khi đó, như lời kể của chị Nguyễn Thị Lan (Lạc Long Quân, Hà Nội) thì chị ít khi hỏi kỹ về nguồn gốc, xuất xứ khi mua sản phẩm chế biến đồ ăn chay tại chợ gần nhà. Đến ít ngày gần đây, sau khi xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm chay được thông tin trên báo chí, chị mới chú ý việc này.
Còn bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, gần đây lại xuất hiện một số vụ bị ngộ độc thực phẩm đồ ăn chay do người dân tự chế biến. Nguyên nhân đến từ việc sử dụng sản phẩm ở dạng đóng gói kín không bảo đảm an toàn thực phẩm, được mua từ bên ngoài, dẫn tới sự xuất hiện của một số vi khuẩn sinh độc tố gây bệnh và phổ biến là vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra chất độc botulinum
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm trên thị trường, cơ quan chức năng cũng kiểm tra các mặt hàng thực phẩm chay, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm về độ an toàn để kịp thời cảnh báo với người sử dụng.
Ông Trần Ngọc Tụ cũng lưu ý: "Người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm chay, đồ hộp chay có đầy đủ nhãn mác với các thông tin về tên hàng hóa, giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần hoặc thành phần định lượng, thông tin cảnh báo vệ sinh... Đối với những người đã sử dụng sản phẩm chay mà có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, như: Mệt mỏi, sụp mi mắt, khó nuốt, liệt cơ, khó thở..., cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất".
Nhằm quản lý tốt hơn thị trường kinh doanh thực phẩm chay, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Minh Hùng cho biết, Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, lưu thông mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, trong đó có thực phẩm chay tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử...
Ở góc độ cơ sở, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn thông tin, UBND quận đã yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm chay để kiểm soát hóa đơn nhập hàng, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng. Lực lượng chức năng của quận sẽ đẩy mạnh thực hiện việc này trong thời gian tới.
Thực tế, dù cơ quan chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra và có nhiều cảnh báo nhưng việc kinh doanh thực phẩm chay không bảo đảm chất lượng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Do đó, ngày 1-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ ăn chay, bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Việc này càng cho thấy tầm quan trọng trong quản lý, kiểm soát thị trường thực phẩm chay. Từ đó, đòi hỏi cơ quan chức năng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn thị trường thực phẩm chay, bên cạnh ý thức cẩn trọng sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng để tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra.