Chi tiết bài viết

Phụ gia thực phẩm trôi nổi - Nỗi lo của người tiêu dùng

07/12/2021

Hiện nay phụ gia thực phẩm được sử dụng phổ biến trong chế biến, bảo quản thực phẩm, nhằm tăng hương vị, sự hấp dẫn, độ tươi ngon của thực phẩm. Tuy nhiên, việc lạm dụng chất phụ gia, nhất là các loại phụ gia trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ luôn tiềm ẩn nguy cơ mất VSATTP, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ cộng đồng.
 

Trước đây, những phụ gia tạo màu cho thực phẩm thường được người chế biến sử dụng các sản phẩm thiên nhiên như gấc, lá nếp, lá cẩm, củ dền, nghệ đỏ…

Tuy nhiên, việc sản xuất thực phẩm với quy mô lớn, sản phẩm thiên nhiên không đáp ứng đủ, dẫn đến việc ra đời của chất phụ gia, tạo màu nhân tạo như một sự tất yếu để đáp ứng nhu cầu chế biến thực phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm, cũng như “chiều lòng” người tiêu dùng khi muốn thực phẩm vừa phải ngon miệng, vừa đẹp mắt.

Nhu cầu về phụ gia thực phẩm ngày càng tăng cao, nên thị trường chất phụ gia thực phẩm cũng trở nên phong phú, đa dạng và sôi động.

Theo ghi nhận, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất phụ gia thực phẩm nhưng phụ gia thực phẩm lại được kinh doanh, bày bán phổ biến ở các siêu thị, cửa hàng tạp hoá lớn, nhỏ và các chợ truyền thống với hàng trăm loại khác nhau, từ phụ gia nấu nướng gia đình tới phụ gia pha chế, tẩm ướp, bảo quản, tạo màu, hương vị.

Trong vai người có nhu cầu mua phụ gia thực phẩm để mở quán đồ nướng và lẩu, tham khảo các loại phụ gia ở một số chợ trên địa bàn như Chợ Tổng, chợ Đồng Tâm (Vĩnh Yên), chợ Giang (thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường), chúng tôi được các tiểu thương nhiệt tình giới thiệu hàng chục loại phụ gia khác nhau.

Trong đó, có các loại bột màu, gia vị ướp nướng giúp tăng mùi hương và vị ngọt của thịt, cốt thịt quay, dầu tăng hương bò nướng, dầu tăng hương gà chiên, hương vịt quay...

Phụ gia để làm các món lẩu cũng đa dạng không kém, nhiều loại phụ gia giúp các món hầm nhanh mềm, tăng độ ngọt, độ giòn, dai, độ kết dính, độ căng bóng, tăng và kéo dài hương thơm của thực phẩm; phụ gia giúp chống ôi, thiu, nấm mốc đều có đủ.

Cùng với đó, nhiều loại phụ gia như phẩm màu, hương liệu nấu trà sữa, trà chanh, chè, nguyên liệu làm thạch, nước hương trái cây đa dạng chủng loại, mẫu mã với đủ mức giá khác nhau.

Các loại phụ gia được bảo quản trong các loại túi, chai, hộp nhiều kích thước. Trong đó, nhiều loại có nhãn mác là hàng sản xuất trong nước, cũng không ít loại nhãn mác nước ngoài, chủ yếu là của Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, có nhiều loại không có phụ đề tiếng Việt được người bán quảng cáo chất lượng tốt với giá khá rẻ.

Dạo quanh các chợ, cửa hàng đồ uống, thức ăn nhanh, quán ăn vặt đường phố, dễ dàng tiếp cận đủ các loại thực phẩm như nước ngọt, bánh kẹo, ô mai, giò chả, quẩy, cá viên chiên, thịt quay, gà chiên giòn, nộm bò khô… với muôn vàn chủng loại, màu sắc bắt mắt và hương vị hấp dẫn.

Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi trong số hàng trăm loại thực phẩm màu sắc bắt mắt, bóng bẩy, hấp dẫn ấy thì có bao nhiêu loại là màu tự nhiên của thực phẩm, bao nhiêu loại sử dụng chất phụ gia thì chúng tôi nhận được câu trả lời của một chủ cửa hàng chuyên làm bánh sinh nhật ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên là hầu hết các loại bánh, mứt và thực phẩm, đồ uống nói chung đều phải sử dụng màu, hương liệu thì sản phẩm mới có màu đẹp, hấp dẫn như vậy được.

Tuy nhiên, việc sử dụng loại phụ gia thực phẩm nào, liều lượng bao nhiêu, phụ gia được phép sử dụng cho thực phẩm hay phụ gia trôi nổi, không nhãn mác đều là do kiến thức và cái “tâm” của người kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Với những cửa hàng làm ăn đàng hoàng, họ đều sử dụng phụ gia thuộc danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế, có nguồn gốc rõ ràng, liều lượng đúng tiêu chuẩn nên an toàn.

Ngược lại, những người đặt lợi nhuận lên hàng đầu, lén lút sử dụng phụ gia trôi nổi giá rẻ thì khó đảm bảo chất lượng ATVSTP.

Chị Vũ Quỳnh Anh, ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho biết: "Nhìn các loại thức ăn nhanh bày bán ở các cổng trường học, sắc đỏ au rất bắt mắt, hương vị rất kích thích vị giác, tôi dám chắc đó là những thực phẩm bị “nhuộm màu” phụ gia không đảm bảo an toàn, bởi có lần con tôi ăn đã bị đau bụng.

Tuy nhiên, nếu nhìn bằng mắt thường để phân biệt loại thực phẩm nào đảm bảo ATVSTP thật là khó...".

Theo đánh giá của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh, chất phụ gia thực phẩm không phải là chất dinh dưỡng mà chỉ là chất bổ sung vào thực phẩm nhằm bảo quản, tăng hương vị, màu sắc cho thực phẩm thêm thơm ngon, hấp dẫn.

Trong số những phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng, nếu đúng chủng loại, liều lượng sẽ giúp tăng hương vị, giúp món ăn ngon, đậm đà và bắt mắt, đồng thời hỗ trợ tích cực trong chế biến, bảo quản thực phẩm.

Ngược lại, nếu lạm dụng bằng cách tăng liều lượng, sử dụng không đúng chủng loại, nhất là sử dụng các loại phụ gia thuộc nhóm chất cấm dùng cho thực phẩm sẽ gây ngộ độc cấp tính, mãn tính hoặc gây tích tụ độc tố lâu dài trong cơ thể, dẫn đến tổn thương nội tạng, gây nhiều bệnh tật nguy hiểm cho con người.

Để kiểm soát việc sử dụng tràn lan phụ gia thực phẩm, nhất là kiểm soát chất phụ gia thực phẩm trôi nổi, Chi Cục ATVSTP, Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thuỷ sản và Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và chất phụ gia thực phẩm; đồng thời tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người chế biến, kinh doanh, xử lý nghiêm những cơ sở cố ý lạm dụng chất phụ gia thực phẩm.

Kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong đó có chất phụ gia thực phẩm.

Để đảm bảo an toàn sức khoẻ, cùng với những nỗ lực của cơ qua chức năng, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn, sử dụng chất phụ gia thực phẩm an toàn; không nên lạm dụng chất phụ gia thực phẩm trong chế biến, bảo quản thực phẩm.

 

Viết bình luận
popup

Số lượng:

Tổng tiền: