-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Nỗi lo thực phẩm bẩn ngày Tết
06/12/2021
(GDVN) - Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao dịp Tết Nguyên Đán cũng là thời điểm nguy cơ ngộ độc thực phẩm lại hiện hữu.
Sức mua rất lớn của người tiêu dùng dịp Tết bao giờ cũng trở thành cơ hội cho những người sản xuất và kinh doanh… thực phẩm bẩn, hàng hóa kém chất lượng.
Tết, cơ hội vàng cho thực phẩm bẩn
Thời điểm này là lúc rất nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm bán tràn lan trên thị trường, đặc biệt là thực phẩm.
Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), qua kiểm tra cho thấy, tại một số địa phương nhiều loại thức ăn không đảm bảo yêu cầu vệ sinh.
67% thịt quay có dùng phẩm màu độc và ô nhiễm vi sinh vật; 36% xúc xích, lạp xường, jambon bị nhiễm vi khuẩn; 88% nem chạo, nem chua, giò chả phát hiện có coliform; 59% các loại ô mai có dùng phẩm màu độc và đường hóa học ngoài danh mục cho phép.
Mới đây nhất, đội Quản lý thị trường số 4A, Chi cục quản thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa là rượu sử dụng tem rượu trong nước có dấu hiệu giả mạo, gồm: 48 chai Rượu Whisky XO, 300 chai Rượu Whisky Golden Label, 696 chai Rượu Whisky, 1.584 chai Rượu Rhum dứa Cocktail, 612 chai Rượu Rhum Cocoa, 1.188 chai Rượu Rhum xoài. Tổng cộng 3.788 chai, ước tính tổng trị giá hơn 67 triệu đồng.
Trước đó, Đội này đã phối hợp với Công an xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh tiến hành kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất Thương mại SPT, số F3/15/8 Lại Hùng Cường, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP. HCM, do ông Lê Đức Giảng là người quản lý chi nhánh.
Đây chỉ là một trong những vụ điển hình cho việc ngày tết thực phẩm giả, rượu giả len lỏi vào thị trường.
Các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo tại làng nghề truyền thống như Xuân Đỉnh, La Phù, Dương Liễu... cũng đang khẩn trương bước vào vụ sản xuất để kịp cung cấp hàng cho dịp Tết.Còn tại Hà Nội, Tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trên địa bàn Hà Nội vào những ngày gần Tết, các mặt hàng thực phẩm được bày bán khá phong phú, đa dạng về chủng loại từ bánh kẹo, rượu, các gói quà Tết của nhiều hãng khác nhau.
Hàng hóa nhiều, mẫu mã chủng loại đa dạng, phong phú song chất lượng có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không lại là điều đáng bàn.
Tại một số chợ thực phẩm, nhiều loại bánh kẹo, mứt, ô mai được đóng trong các bao nilon hoặc bao tải trong vẫn trong tình trạng “ba không”: Không nguồn gốc địa chỉ sản xuất, không nhãn mác, không hạn sử dụng những sản phẩm này được bán theo cân, theo lạng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm tươi sống bày bán tràn lan mà không có dấu kiểm dịch, chứng nhận an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng; các sản phẩm giò, chả... cũng chủ yếu vẫn được sản xuất theo hình thức thủ công nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất, trang thiết bị không đảm bảo nên chất lượng rất khó được kiểm soát chặt chẽ.
Do việc buôn bán thực phẩm nhập lậu thường mang lại siêu lợi nhuận, nên nhiều thương lái bất chấp phát luật, coi rẻ sức khỏe của người tiêu dùng, sử dụng nhiều thủ đoạn để vận chuyển vào nội địa rồi đem đi tiêu thụ.
Chính vì thế nguy cơ mất an tòa vệ sinh thực phẩm dịp Tết tiếp tục trở thành mối lo ngại lớn.
Nguy cơ từ phía bên kia biên giới
Không chỉ thực phẩm bẩn tràn lan trong nước, mối lo hàng hóa thực phẩm nhập lậu dịp cận tết đổ về Việt Nam ngày càng lớn.
Theo thực tế hiện nay, có rất nhiều mặt hàng, trong đó có thực phẩm, hàng Trung Quốc trà trộn vào và đây là hàng thứ phẩm, kém chất lượng, thậm chí để “đắt khách”, chúng còn được dán tem giả hàng… Việt Nam vì tâm lý “sợ hàng Tàu” của người tiêu dùng trong nước.
Địa bàn tập trung chủ yếu là nhóm các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao và các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.Theo lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, càng về cuối năm tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngày càng diến biến phức tạp.
Bên cạnh đó, đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống, gia cầm, gia súc và sản phẩm của gia cầm, gia súc.
Năm 2016, dịp cận tết, cơ quan chức năng đã thu giữ hàng chục ngàn tấn hóa chất, mỡ động vật, xử lý 24.912 vụ việc vi phạm; thu nộp Ngân sách nhà nước150 tỷ đồng.
Qua các vụ việc, cơ quan chức năng đã phát cho thấy, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm thời điểm cuối năm thường diễn biến phức tạp.
Do nhu cầu lớn và lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng sẵn sàng “tung ra” thị trường các loại thực phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng.
Đặc biệt các loại mặt hàng khô, nhu cầu tiêu dùng rất lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cực kỳ nguy hiểm. Để bảo quản, hàng loạt các loại hóa chất được dùng để tẩm ướp các mặt hàng này.
Càng nguy nhiểm hơn, các loại hóa chất cực độc này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Mứt, một trong những mặt hàng tiểm ẩn nguy cơ lớn cho người tiêu dùng (Ảnh: CATP) |
Theo Tiến sĩ Lương Bích Thủy, Khoa hóa (Trường Đại học sư phạm Hà Nội) cho biết, những hóa chất dùng để bảo quản các mặt hàng khô được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm cực độc, sử dụng hàm lượng lớn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Chẳng hạn, bifenthrin là loại hóa chất dùng trong thuốc trừ sâu; clorin dùng để khử trùng và tẩy trắng, dính vào quần áo là gây rách ngay...
Những hóa chất này là thuốc gây tê, tác động lên hệ thần kinh hô hấp làm cho ruồi, muỗi, kiến chết; người ăn phải sẽ bị ngộ độc, nhẹ thì buồn nôn, nặng thì khó thở, cơ thể tím tái, nếu tích tụ trong cơ thể lâu dài sẽ phá hư nội tạng.
“Cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Trao đổi với báo chí ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã từng thừa nhận hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm còn một số bất cập.
Các mặt hàng nhu yếu phẩm như các loại bánh, mứt, kẹo, ô mai; các sản phẩm chế biến từ thịt, dịch vụ ăn uống tại các tỉnh, thành phố... năm nào cũng được tuyên bố là sẽ kiểm soát chặt trẽ, nhưng bằng cách nào đó người ta vẫn tuồn ra thị trường.