-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Ăn gan lợn có tốt không? Những điều cần lưu ý khi ăn gan lợn
25/12/2021
Gan và các món ăn chế biến từ gan được rất nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, ăn gan lợn có tốt không? Làm sao để ăn gan an toàn? Cùng tìm hiểu những vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Rất nhiều người quan niệm rằng gan là món nội tạng không tốt cho cơ thể do nó là cơ quan thải độc và tồn dư nhiều chất độc hại, khi ăn sẽ không tốt cho sức khỏe. Vậy thực tế, ăn gan lợn có tốt không? Cần lưu ý gì khi ăn gan lợn?
1. Ăn gan lợn có tốt không?
Gan là cơ quan đào thải độc tố của cơ thể nên không ít người nghĩ ăn gan hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, độc tố đi qua gan sẽ được chuyển hóa, phân hủy, đào thải qua phân và nước tiểu ra khỏi cơ thể nên gan lợn có thể ăn bình thường. Ăn gan lợn không những không hại mà còn tốt cho sức khỏe nếu chế biến đúng cách.
Những lợi ích khi ăn gan lợn
Theo các chuyên gia, gan lợn có những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Cụ thể:
- Gan lợn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng: Các nghiên cứu chỉ ra rằng gan lợn là nguồn cung cấp dồi dào các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Cụ thể, trong gan lợn có chứa các loại vitamin B12, vitamin A, riboflavin và folate có tác dụng giúp não khỏe mạnh, duy trì khả năng hoạt động bình thường của thị lực, tim và thận. Các nghiên cứu y học hiện đại chỉ ra rằng trong 100g gan lợn có chứa 21,3 g protein, 25 mg sắt, 8.700 mcg vitamin A, vitamin B, D, axit folic...
Không những vậy, trong thành phần của gan lợn còn chứa các chất dinh dưỡng khác như sắt, đồng, choline rất tốt cho máu và gan. Vì vậy, những người thường xuyên bị thiếu máu, suy nhược cơ thể, sử dụng nhiều bia rượu nên bổ sung gan vào các bữa ăn hằng ngày.
- Gan lợn là nguồn cung cấp protein: Không những chứa nhiều chất dinh dưỡng, gan lợn còn là một nguồn cung cấp protein chất lượng cao và các loại axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, từ đó giúp đẩy mạnh hoạt động trao đổi chất trong cơ thể.
Bên cạnh đó, protein có trong gan lợn còn có tác dụng trong việc hỗ trợ giảm cân vì nó làm giảm bớt cảm giác thèm ăn. Hơn nữa,hàm lượng protein chất lượng cao này còn giúp xây dựng và duy trì khối cơ bắp.
- Gan lợn có tác dụng trong việc làm đẹp: Lượng collagen có trong gan lợn rất dồi dào, từ đó giúp làm chậm quá trình lão hóa da, tăng cường sự mịn màng, săn chắc cho da.
- Ngăn ngừa ung thư: Một trong những công dụng tuyệt vời của gan lợn ít ai ngờ tới chính là hỗ trợ ngăn ngừa căn bệnh ung thư đáng sợ. Sở dĩ gan lợn có khả năng ngăn ngừa ung thư là vì hàm lượng vitamin C và selen phong phú trong gan lợn giúp tăng cường sức miễn dịch cho cơ thể, chống oxy hóa, chống lão hóa, ức chế các tế bào ung thư phát triển.
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi ăn gan lợn có tốt không là có, ăn gan lợn đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Bên cạnh việc cung cấp chất dinh dưỡng, protein, hàm lượng vitamin A cao trong gan lợn còn tốt cho mắt của trẻ, tăng cường thị lực, chống mỏi mắt, khô mắt. Các nghiên cứu cho biết thành phần vitamin A trong gan lợn cao hơn nhiều so với thịt, trứng, sữa, cá...
Vì thế, chị em hoàn toàn có thể yên tâm khi chế biến gan lợn thành những món ăn ngon và hấp dẫn cho cả gia đình.
2. Những lưu ý khi ăn gan lợn
Mặc dù ăn gan lợn có nhiều lợi ích nhưng không phải vì thế mà lạm dụng món ăn từ gan lợn. Các bác sĩ cũng như các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo khi ăn gan lợn cần phải nắm đúng một số nguyên tắc cơ bản.
Trong thành phần của gan lợn bên cạnh những chất dinh dưỡng và protein tốt cho sức khỏe còn có chứa nhiều cholesterol và kim loại nặng. Bên cạnh đó, gan cũng là nơi tập trung nhiều chất cặn bã,nhất là lá gan của những con lợn không khỏe, lợn mắc chứng viêm gan, ung thư thì càng chứa nhiều độc tố và virus gây bệnh. Ngoài ra, gan lợn cũng là nơi trú ngụ của hàng loạt ký sinh trùng, trong đó điển hình là sán lá gan.
Vì thế, nguyên tắc quan trọng khi ăn gan lợn là lựa chọn gan lợn từ những con lợn khỏe, không mắc bệnh. Khi chế biến gan, chị em nội trợ nên ngâm gan lợn trong nước muối khoảng 10 - 30 phút, rửa thật sạch thật kỹ, bóp sạch máu đọng. Cần lưu ý đun kỹ gan lợn để giết chết các loại vi khuẩn, ký sinh trùng rồi mới được sử dụng.
Nguyên tắc khi ăn gan lợn tiếp theo là cũng như các loại gan những loài động vật khác, khi chế biến gan lợn, không nên xào nấu lẫn với những loại rau củ giàu vitamin C như giá đỗ, rau cần, cà rốt, cải xoăn... Nguyên nhân là vì vitamin C trong dung dịch trung tính và tính kiềm không ổn định, đặc biệt khi có các vi lượng như đồng, sắt càng dễ bị oxy hóa phân giải.
Trong khi đó gan lợn có hàm lượng sắt, đồng cao, vì thế, khi xào lẫn sẽ làm mất hết giá trị dinh dưỡng quý giá của những loại rau củ quả này.
Về số lượng ăn gan lợn, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người bình thường khỏe mạnh cũng không nên ăn gan quá nhiều. Với bé đang ăn dặm, có thể cho mỗi bữa ăn 30g gan. Các đối tượng là trẻ em nên ăn 2 bữa gan/tuần. Điều này vừa giúp thải độc vừa giúp tăng cường vitamin A, tăng chiều cao, chống thiếu máu, cân đối axit amin, bổ sung chất dinh dưỡng.
Đối với đối tượng là người lớn, mỗi tuần ăn một bữa gan lợn xào sẽ rất tốt cho sức khỏe. Với những mẹ bầu, cần lưu ý nên tránh ăn gan và các sản phẩm từ gan, tốt nhất chỉ nên ăn 1-2 lần/tháng.
Những ai không nên ăn gan lợn?
Dù ăn gan lợn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng ăn được loại thực phẩm này. Theo các chuyên gia dinh dưỡng và các bác sĩ, những đối tượng sau không nên ăn gan lợn:
- Những người mỡ máu cao.
- Người mắc các căn bệnh về gan.
- Đối tượng bị cao huyết áp.
- Bệnh nhân gout.
Như vậy, ăn gan lợn có tốt không còn tùy thuộc vào cách ăn cũng như đối tượng tiêu thụ gan lợn và các món ăn chế biến từ gan lợn. Nếu ăn đúng cách, không quá lạm dụng thì gan lợn đem lại nhiều lợi ích không ngờ cho sức khỏe. Vì thế, chị em chỉ cần nắm vững những lưu ý khi lựa chọn, chế biến gan lợn là yên tâm chế biến cho gia đình các món ăn từ gan thơm ngon và bổ dưỡng.