-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
10 tác hại của ăn thịt chó không phải ai cũng biết
16/12/2021
Các chuyên gia nhận định việc giết thịt chó làm thực phẩm hiện nay có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn khó kiểm soát; chủ trương của Hội An nói không với thịt chó rất tốt và hợp lý.
Mới đây, Hội An là thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với tiêu thụ thịt chó, mèo, hướng tới thành phố du lịch thân thiện. Điều này đã tạo ra một cuộc tranh luận trái chiều những ngày vừa qua: nên hay không nên ăn thịt chó, ăn thì có sao không, các địa phương có nên theo Hội An không?...
Khi vận động không ăn thịt chó, chúng ta nên chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe của người ăn, khó kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh.
Chủ trương của Hội An là tốt và hợp lý. Mặc dù theo thói quen truyền thống vẫn còn một số người dân sử dụng và tiêu thụ thịt chó, nên chủ trương này bước đầu thực hiện có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể chưa hoàn hảo, nhưng từng bước phải tiến đến xu hướng chung là hạn chế và không kinh doanh buôn bán.
Đối với người Việt, chó, mèo là vật nuôi gần gũi, thân thiết với con người. Mặt khác, vì tính nhân đạo cũng không nên giết mổ, kinh doanh thịt của các loài vật này. Tuy nhiên, chúng ta tạm bỏ qua các vấn đề văn minh, nhạy cảm như chó là bạn của con người.
Cho đến nay, việc ăn thịt chó dẫn đến ngộ độc chết người chưa từng xảy ra. Tuy nhiên, con người chết vì bệnh dại do chó cắn và bị thương tật, chết vì bị chó ăn thịt lại xảy ra nhiều. Vì vậy, ưu tiên tuyên truyền và phạt những ai nuôi chó mà không tiêm ngừa dại, không rọ mõm khi ra đường, không dọn dẹp sau khi chó phóng uế nơi công cộng.
Các nước phương Tây không ăn thịt chó vì nó thành thói quen cũng như văn hóa của họ rồi. Các nước Phương Đông vẫn còn tốn tại sở thích ăn thịt chó. Hiện nay, Việt Nam là nước tiêu thụ thịt chó nhiều thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Tuy nhiên, thịt chó tiêu thụ trên thị trường phần lớn giết mổ tại các hộ dân, không đưa vào các cơ sở giết mổ, không qua kiểm tra giám sát của cơ quan chuyên môn. Chó, mèo đưa vào giết mổ cũng không có nguồn gốc rõ ràng (không như các loài gia súc, gia cầm khác được chăn nuôi, quản lý chặt chẽ, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP...), chủ yếu thu gom từ nhiều nguồn, nhiều vùng khác nhau nên khó kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh.
Nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm là rất cao, thậm chí gây tử vong nếu sử dụng thịt chó bị nhiễm bệnh dại hoặc những vi sinh vật gây bệnh khác. Theo quy định của Luật Thú y, quy định về sử dụng thịt gia súc, gia cầm làm thực phẩm phải đáp ứng quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm.
Hiện tại, pháp luật Việt Nam không cấm sử dụng thịt chó nhưng cũng không đưa loài chó vào danh mục vật nuôi để giết thịt làm thực phẩm cho con người. Việc sử dụng thịt chó hiện tại tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe do việc chăn nuôi, giết mổ chưa qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của cơ quan nhà nước.
Do cơ quan chức năng cũng chưa cấp phép để thành lập cơ sở giết mổ đối với chó, và nguồn cung cấp thịt chó chủ yếu từ nguồn không rõ ràng, hoặc nguồn chó bắt trộm cung cấp cho các điểm kinh doanh thịt chó; những người tham gia quá trình giết mổ, kinh doanh chó cũng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như xoắn khuẩn, bệnh tả, bệnh dại… Thậm chí có những trường hợp không bị chó cắn nhưng vẫn bị lây bệnh dại bởi người có vết thương hở lại tham gia giết mổ chó dẫn đến nhiễm bệnh.
Tác hại của ăn thịt chó
- Tác hại khi ăn thịt chó có thể nói chủ yếu đến từ việc không thể đảm bảo chất lượng thịt có đủ "sạch" hay không. Vì bình thường, chó không được kiểm dịch trong quá trình nuôi hay giết thịt. Chó có thể bị nhiễm giun, sán dây, ký sinh trùng và lây cho người qua đường ăn uống. Kí sinh trùng, đặc biệt là trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác, thậm chí có thể xâm nhập vào cả não và mắt. Hiện tượng này được gọi là hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng (larva migrans) gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.
- Nguy cơ mắc bệnh dại khi ăn thịt chó hay tiết canh chó là rất cao nếu không được nấu chín. Chỉ cần sơ suất nhỏ, dính nước dãi chó vào món ăn hay tay người ăn, bạn có thể sẽ phải đối diện với căn bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu này.
- Nếu virus dại hay sán có trong dãi chó xâm nhập được vào cơ thể con người, chúng sẽ gây ra những tác động vô cùng nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong gần như là 100% nếu chúng xâm nhập vào hệ thần kinh của chúng ta.
- Ăn thịt chó có thể nhiễm hóa chất dùng để đánh bả. Trong quá trình chuẩn bị, có thể thấy rất nhiều chó được mang đi giết thịt đến từ các nguồn trộm cắp. Nguy cơ chúng bị đánh bả là rất cao. Chất độc này có thể ngấm vào máu và không thể giải hóa hoàn toàn khi nấu nướng. Khi ăn, nhẹ thì người ăn sẽ chóng mặt, đau bụng, nôn mửa, nặng hơn có thể động kinh, co giật hay thậm chí tử vong.
- Ăn thịt chó có thể mắc bệnh dại. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), những người có thói quen ăn tiết canh chó, thịt chưa nấu chín kĩ, vệ sinh dao thớt giết thịt chó không sạch sẽ và còn dính dãi của chó mang bệnh hoàn toàn có thể mắc bệnh dại.
- Nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Bên cạnh đó, người ăn thịt chó cũng có nguy cơ bị lây nhiễm các loại vi khuẩn đường tiêu hóa, nguy hiểm hơn là nhiễm liên cầu lợn gây viêm màng não, sốc nhiễm trùng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Ăn thịt chó trúng bả có thể gây rối loạn đông máu. Người ăn phải thịt chó bị trúng bả dễ bị nhiễm độc trong bả chó, dẫn tới rối loạn đông máu, xơ gan, suy thận…
- Ăn thịt chó có thể gây khó tiêu, chướng bụng. Thịt chó có chứa nhiều chất dinh dưỡng, lại giàu chất đạm. Nếu ăn thịt chó quá nhiều bạn sẽ bị nóng trong, chướng bụng, khó tiêu và ậm ạch do cơ thể phải hấp thụ một lượng đạm quá nhiều nhưng chưa kịp tiêu hóa.
- Ăn thịt chó có thể ảnh hưởng tới gan, thận. Thường xuyên ăn thịt chó trong thời gian dài, cơ thể khó tiêu hóa, thận, gan làm việc không đáp ứng được nên dễ mắc các bệnh về gan, như xơ gan hay suy thận, gout. Nguy hiểm hơn, gan và thận của bạn sẽ phải làm việc hết công suất, dẫn đến quá tải, ảnh hướng xấu tới chức năng gan, thận nếu ăn thịt chó quá nhiều và thường xuyên.
- Việc ăn nhiều thịt chó là không nên, bởi cơ thể chúng ta sẽ hấp thụ nhiều hormone do cường giáp gây nên nguy cơ nhiễm độc giáp ngoại sinh (rối loạn tuyến giáp).
Vì vậy, sử dụng thịt chó là thói quen không tốt, nên từ bỏ, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, giao lưu với thế giới và quá trình tạo dựng hình ảnh đất nước Việt Nam văn minh, hiện đại, cần tuyên truyền hơn nữa đến người dân và nhân rộng ra các tỉnh địa phương.